Những dự án cải thiện môi trường tại Hà Nội

Cơ giới hoá việc xử lý rác thải


Ảnh nguồn Internet

Từ cuối tháng 3-2016, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) bắt đầu thí điểm mô hình thu gom rác thải bằng xe cơ giới dựa trên những đặc trưng của đường phố Thủ đô. Mô hình này phải đáp ứng được tiêu chí “4 kín”: Người dân cho rác vào túi kín, thu gom bằng xe kín, dùng thùng kín tập kết rác trong các ngõ nhỏ, phương tiện đi theo mạch vòng khép kín.

Tại các địa bàn thí điểm mô hình này diễn ra thì ý thức của người dân có sự chuyển biến tích cực, đường phố trên các địa bàn thí điểm đã sạch hơn, giảm số lượng xe gom đẩy tay; giảm các điểm cẩu và điểm tập kết xe gom gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Dự án trồng 1 triệu cây xanh


Ảnh nguồn Internet

Ngày 5/6, Hà Nội chính thức phát động chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 – 2020 với việc trồng mới hoa ban trắng trên đường Võ Nguyên Giáp. Đến nay chương trình 1 triệu cây xanh trồng mới đến năm 2020 đã nhận được sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp.

Cụ thể, tỉnh Sơn La tặng 500 cây hoa ban; Tập đoàn Aeon Nhật Bản tặng 3.000 cây hoa anh đào; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Ecopark) hỗ trợ trồng mới 1.000 cây xanh và cây xanh trồng tại đại lộ Thăng Long; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong hỗ trợ trồng 5.000 cây; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam hỗ trợ 3 xe cần cẩu cắt tỉa cây xanh.

Với dự án này, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu tăng diện tích trồng cây xanh từ 7m2/người như hiện nay lên mức 10m2 cây xanh/người vào năm 2020.

Dự án cung cấp nước sạch, hướng tới uống nước tại vòi bằng công nghệ NANO

Cung cấp nước sạch trên địa bàn TP, hướng tới uống nước tại vòi bằng công nghệ NANO của Đức. (Ảnh nguồn Internet)

Hà Nội sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống tuyến nước cũng như công nghệ làm nước, nhà cung cấp nước sạch cho người dân uống được ngay theo tiêu chuẩn châu Âu. TP đã ký kết với Đức về công nghệ nano, đây là loại công nghệ được sử dụng ở 50 nước trên thế giới.

Nếu một nhà máy nước công suất 30.000m3 nước/ngày đêm phải sử dụng đến 2 ha mặt đất thì với công nghệ mới nhà máy xử lý nước đó chỉ cần sử dụng 500m2 đất. Hệ thống cung cấp nước sạch được quy hoạch theo mạch vòng, mạch kép, để nếu hệ thống này mất nước thì có hệ thống khác đáp ứng ngay. Đồng thời đảm bảo 6 tháng sẽ sục rửa đường ống một lần.

Và trong thời gian tới TP sẽ cho lắp đặt một số đường nước công cộng mà người dân đi đườn có thể dùng uống được ngay.

Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng


Hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại TP rất còn thiếu và không đồng bộ. (ảnh nguồn Internet)

Xuất phát từ thực tế hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại các nơi công cộng trên địa bàn TP còn rất thiếu và không đồng bộ. UBND TP đã đồng ý về chủ trương để Cty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing triển khai thực hiện dự án đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng (loại Hyundai, Hàn Quốc), 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố để phục vụ cộng đồng.

TP cũng yêu cầu các nhà vệ sinh công cộng phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng này.

Nhập 5 xe chuyên dụng kiểm tra an toàn thực phẩm


Ảnh nguồn Internet

Nhằm hưởng ứng những nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố, Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Hà Nội 5 chiếc xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ với công nghệ hiện đại và các thiết bị kiểm nghiệm chuyên dùng có thể kiểm tra nhanh, sàng lọc, lấy mẫu tại chỗ.

Trong 5 chiếc xe này, hiện 3 chiếc đã hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng. Hai 2 xe còn lại đang trong quá trình sản xuất và dự kiến sẽ được hoàn tất, bàn giao cho thành phố Hà Nội vào giữa năm 2017 để hỗ trợ Thủ đô trong quá trình quản lý sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm tại các chợ đầu mối, siêu thị và các cơ sở sản xuất thực phẩm.

Thông qua kiểm nghiệm bước đầu bằng xe kiểm nghiệm, nếu có nghi ngờ về chất lượng thực phẩm thì các đơn vị chức năng sẽ đưa mẫu tới phòng kiểm định chuyên sâu để làm rõ và xử lý, cố gắng để người dân Thủ đô được sử dụng các loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh nhất.

Dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải 16.200 tỷ đồng

Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021, nhưng sau đàm phán và thực hiện hàng loạt giải pháp rút ngắn tiến độ thi công, dự án này đã rút ngắn thời gian thi công được 2 năm, dự kiến hoàn thành năm 2019.

Quy mô xây dựng dự án bao gồm: nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52 km.

Theo UBND TP Hà Nội, sau khi hoàn thành, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống thu gom sẽ đưa toàn bộ nước thải của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì về nhà máy xử lý.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cải tạo môi trường, làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.



Trả lời